Tại sao Dân công nghệ thông tin nên viết blog?
Bài viết trước Blog Việc làm tại nhà đã có đề cập tới 6 lỗi thường gặp trong lập trình front-end thiết kế web. Đó cũng là lý do để bài viết này ra đời, bạn là dân công nghệ thông tin, vậy tại sao không viết blog, trở thành một blogger?
Có lẽ với dân IT nói riêng và dân kỹ thuật nói chung luôn bị gắn với mác là tẻ nhạt và luôn gắn với máy móc, đơn điệu. Nhưng tôi có khả năng viết thiên phú, truyền đạt tới mọi người những kiến thức, những cảm xúc dạt dào tới độc giả. Cũng bắt đầu viết Blog được hơn một năm nhưng cảm thấy thật thích thú với công việc này.
Vậy điều gì đã khiến tôi viết nên blog này, gạt bỏ đi cái vỏ tẻ nhạt để quyết định viết Blog?
Mỗi kì học, tôi luôn phải chiến đấu với một khối bài tập, những đoạn mã dài ngoằng với thuật toán kinh điển. Nhưng đến khi viết xong, tôi rất khó để giải thích với cô giáo hiểu rõ về những dòng code đó, cảm thấy khả năng diễn đạt của mình thật kém, và bị dính mác copy. "Code vô hồn" là thế?
Có một trích dẫn của Einstein mà tôi lấy đó làm kim chỉ nam:
" If you can't explain it simply, you don't understand it well enough"
Đọc những bài viết trên các blog của các đàn anh công nghệ, tôi thấy trong mình một động lực rất lớn, phải viết blog. Từ đó tôi tìm hiểu cách xây dựng một trang web, viết bài trên blog... Blog này với chủ đề việc làm tại nhà, cung cấp những thông tin, những chia sẻ mới mẻ nhất cho dân IT muốn tìm kiếm công việc freelancer, lập trình viên tại nhà.
Vậy viết blog được và mất gì?
Nói về mất trước nhé. Đó là mất thời gian. Thời gian chat với bạn bè, xem phim thì tôi dành để chau chuốt cho những bài viết sắp đăng của mình.
Được thì được nhiều lắm.
Thứ nhất, trước khi đăng bài viết, tôi phải xác định chủ đề, lên nội dung, sau đó sẽ tìm hiểu về vấn đề đó. Mỗi lần như vậy tôi có thêm nhiều kiến thức, đúc rút cho mình những kinh nghiệm trong việc tự tìm hiểu. Chẳng hạn như làm blog này, tôi dùng công cụ hỗ trợ là Blogspot của google, để thiết kế được trang web thì tôi phải tìm hiểu về HTML, CSS, JavaScript, chỉnh template,....Một mũi tên trúng hai đích rồi.
Thứ hai, luyện khả năng diễn đạt. Cũng như ở trên có đề cập, là một lập trình viên mà tôi không thể diễn giải cho mọi người hiểu cách thức chạy của nó. Liên tục, liên tục viết trong một thời gian, tôi dám chắc bạn sẽ có thay đổi một cách rõ rệt.
Thứ ba, mục đích blog của tôi là chia sẻ kiến thức, giúp đỡ mọi người cùng hiểu bài như mình, cũng có thể cùng bạn bè trao đổi. Phương châm giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ chính mình.
Thứ tư, giúp suy nghĩ tốt hơn, kỹ lưỡng hơn. Bài viết là để cho mọi người cùng đọc nên phải có nội dung hay, thiết thực. Do đó để xây dựng một bài viết tốt, tôi phải suy nghĩ tới đề tài, xây dựng dàn ý, tìm hiểu nhiều và sâu hơn, viết xong phải kiểm chứng và soát lỗi , rèn luôn tính cẩn thận.
Kết luận.
Với những gì đã chia sẻ ở trên, tôi tin chắc rằng không có lý do gì để bạn không dựng ngay cho mình một blog cho riêng mình. Nếu bạn sợ rằng kiến thức của mình chưa đủ rộng, chưa đủ sâu để có thể viết nội dung hoàn mỹ. Đừng sợ vậy, vì không ai có thể hoàn hảo hết, "những người thầy ngoài đời" sẽ chỉ ra chỗ sai và giúp bạn cải thiện, nhận lại kiến thức đúng đắn. Và có thể đảm nhận những công việc từ nghề tự do. Chúc các bạn thành công!